Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ngôi nhà trình tường đã trở thành phổ biến ở vùng cao. Nhiều dân tộc như: Dao, Tày, Cao Lan... đều sử dụng nhà trình tường. Đặc biệt có những dân tộc như Mông, Hà Nhì đã nâng ngôi nhà trình tường lên thành một nghệ thuật.
Làm nhà trình tường khá đơn giản. Sau khi gia cố móng bằng đá, người ta lấy khung gỗ làm khuôn, đổ đất và nện cho chặt làm tường nhà, khi tường đủ độ cao thì lợp mái bằng cỏ, ngói âm dương hoặc tôn xi măng. Với độ dày đến 60 - 70 cm, ngôi nhà trình tường mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, đặc biệt phù hợp với điều kiện sống của đồng bào.
Ngôi nhà trình tường trong chùm ảnh này là của ông Mua Mi Sáng ở xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Do hỏa hoạn, ngôi nhà cũ bị cháy nên phải làm lại. Nhờ sự giúp đỡ của 6 người bà con trong bản, nhà sẽ hoàn thành trong tuần này với chi phí khoảng 20 triệu đồng.
Phụ nữ cũng tham gia công trình bằng cách gùi đất.
Đất trình tường không có gì đặc biệt, được lấy ngay cạnh nền nhà.
Gùi đất lên tường theo một chiếc thang gỗ.
Cúi mình đổ đất bằng một động tác điệu nghệ.
Ngoài khuôn gỗ, công cụ còn lại chỉ là chày và vồ đều bằng gỗ.
Khung gỗ đã dựng sẵn chờ lợp mái khi hoàn thành phần tường.
Hai người đàn ông dùng chày gỗ nện đất cho chặt.
Hai tấm gỗ làm khuôn được di chuyển dần xung quanh tường nhà.
Một chiếc sừng bò buộc trước hiên để trừ đuổi tà ma.
Tường nứt ngay trong khi trình, nhưng đó không hề là vấn đề vì người ta hàn gắn ngay lập tức và vẫn đảm bảo độ bền chắc.
Nhà chưa xây xong, nhưng đồ đạc đã để hết bên trong.