ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH Ở QUẢNG BÌNH VÀ PHONG NHA - KẺ BÀNG
Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ sắp ký kết, đế quốc Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về nhằm thay thế Bảo Đại, thực hiện âm mưu áp đặt chế độ thực dân kiểu mới ở Đông Dương.
Từ cuối năm 1954 đến năm 1959 ở miền Nam, Mỹ - Diệm tiến hành những chiến dịch ''Tố cộng", "Diệt cộng'' và tiếp đó là Luật 10-59, công khai kìm kẹp nhân dân, tàn sát dã man những người yêu nước.
Trong bối cảnh đó ''Đường dây giao liên Nam - Bắc'' được hình thành trong kháng chiến chống Pháp không thể đáp ứng được kịp thời nhu cầu ngày càng lớn của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đối chọi với cường quốc đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Ngày 19 tháng 5 năm 1959, theo Quyết định của Tổng quân ủy Trung ương, gần 500 cán bộ chiến sĩ được tuyển chọn từ các đoàn miền Nam tập kết, tổ chức thành tiểu đoàn 301 làm nhiệm vụ ''Mở đường Trường Sơn''.
Qua năm tháng hình thành và phát triển tuyến chi viện đã có các tên: Đường 559". " Đường Trường Sơn", Đường mòn Hồ Chí Minh". Đến nay, con đường được ấn định vào lịch sử bằng tên gọi Đường Hồ Chí Minh.
Nhánh Tây đường Hồ Chí Minh - Ảnh: Hoài An
Con đường chiến lược mang tên Bác Hồ có ba nhiệm vụ lịch sử trọng tâm:
Là tuyến vận tải quân sự chiến lược cho chiến trường ba nước ở phần phía Nam bán đảo Đông Dương (Miền Nam Việt Nam; Trung, Hạ Lào; Đông Bắc Cam-Pu-Chia).
Là một hướng chiến trường quan trọng, phối hợp chiến đấu giữa ba nước, với khẩu hiệu ''Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến".
Là một căn cứ hậu cần chiến lược rộng lớn, vững chắc cho chiến trường ba nước.
Từ ba nhiệm vụ trọng tâm đó, nhiệm vụ của từng thời kỳ cũng có khác nhau:
Từ năm 1959 đến năm 1961, để kiên trì giữ gìn thiện chí, thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương của Đảng, tuyến 559 chủ yếu đi bộ làm nhiệm vụ giao liên, đưa đón cán bộ làm chuyển văn kiện vào ra Bắc - Nam, sau đó vận chuyển gùi thồ một ít vũ khí nhẹ cho chiến trường gần, do tiểu đoàn 301 thực hiện theo phương châm: ''Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng''. Lúc đó trạm điều phối đóng ở Khe Ho, Tây Vĩnh Linh nay thuộc tỉnh Quảng Trị.
Từ năm 1961 có chủ trương của Trung ương Đảng (của ta và nước bạn Lào) phối hợp giải phóng một số điểm ở Đường 9 trên đất Lào, đồng thời bạn cho ta mở đường vận chuyển cơ giới phía Tây Trường Sơn. Và cầu đường là hạ tầng cơ sở quyết định cho vận tải bằng cơ giới. Từ đó, hệ thống Đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát triển đến đỉnh cao, thành một mạng lưới liên hoàn vững chắc gồm nhiều trục dọc trục ngang nối Đông Tây Trường Sơn, tỏa ra khắp chiến trường với tổng chiều dài 16.790 km đường bộ, 1.500 km ống xăng dầu, 2.500 km đường giao liên, 1.200 km đường biển, đường hàng không.
Ngoài ra hệ thống các kho hàng, kho xăng dầu, chỉ huy sở, các cấp, các xưởng quân khí, các quân y viện, các điểm tập kết quân và các quân binh chủng... đều được xây dựng trên các địa bàn an toàn và thích hợp để sẵn sàng hợp đồng chiến đấu và phối hợp kịp thời trên các nhiệm vụ nhằm tập hợp chi viện sức người sức của cho tuyền tuyến.
Trải qua 16 năm thăng trầm, các lực lượng trên các tuyến đường đã bền bỉ kiên trì chiến đấu, dũng cảm mưu trí; chịu đựng gian khổ hy sinh. Với tinh thần tất cả vì Miền Nam ruột thịt, vì Trị Thiên thân yêu, vì bạn bè quốc tế thủy chung, các binh chủng vận tải, công binh, phòng không, bộ binh, thông tin, lực lượng thanh niên xung phong và nhân dân địa phương đã hợp đồng chiến đấu, tấn công vào cuộc ''Chiến tranh ngăn chặn" trên không, dưới đất, hóa học, điện tử... của đế quốc Mỹ.
Tuyến Đường Hồ Chí Minh đã từng bước hoàn thành nhiệm vụ của mình trong các thời kỳ cách mạng miền Nam.
Tuyến Đường Hồ Chí Minh đã phục vụ vận chuyển trên 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, xăng dầu, thuốc men, đưa đón trên bốn triệu lượt bộ đội, cán bộ, thương binh vào ra, bắn rơi 2.451 máy bay các loại, tiêu diệt, bắt sống hàng vạn bộ binh đối phương; cùng với bạn giải phóng một số tỉnh Trung, Hạ Lào; đặc biệt là đường 9 Nam Lào, chiến dịch Đông Hà - Quảng Trị, chiến dịch Huế, Buôn Mê Thuột, tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. Các lực lượng trên tuyến Đường Hồ Chí Minh đã đáp ứng đầy đủ vũ khí, đạn dược, lương thực, đã thực hiện thần tốc hành quân cơ giới từng quân đoàn, sư đoàn, binh chủng kỹ thuật, vượt thời gian đến đích quy định.
Trong hệ thống Đường Hồ Chí Minh, Đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình giữ vị trí trọng yếu trong hệ thống toàn tuyến đường và tập trung nhiều tuyến đường huyết mạch, là nút chiến lược về giao thông vận tải chi viện cho tiền tuyến, đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Quảng Bình phải có nhiều đường cho chủ động, kẻo địa hình như vậy dễ bị tắc nghẽn''(l)...
Quảng Bình là "cửa ngõ'' là địa bàn xung yếu của toàn bộ hệ thống Đường Hồ Chí Minh trước khi vào Nam, tập trung những tuyến đường với những cửa khẩu quan trọng chuyển tải từ miền Bắc hậu phương chi viện cho tiền tuyến, cho các chiến trường.
Quảng Bình có 03 tuyến đường bộ dọc (Quốc lộ 1A - 122km), Đường 15 từ Tân Đức (Tuyên Hóa) đến Bến Quang (Vĩnh Linh) và đường từ Khe Gát (Bố Trạch) đến A Lưới (Thừa Thiên); có 04 tuyến đường Đông Tây: Đường 12A, Đường 20 Quyết thắng, Đường 10 và Đường 16. Để hỗ trợ cho các đường chính nhiều đường phụ được mở thêm như Đường 22A, 22B, Đường Ba Trại, Đường Nguyễn Văn Trỗi, Đường Nam Khe, Đường 12B...
Vận tải đường biển ở Quảng Bình cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Cảng Thanh Khê (Bố Trạch) là điểm mở đầu vận tải biển chuyển hàng vào Nam, là địa chỉ đỏ của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Tháng 7 năm 1959, Tiểu đoàn 601 vận chuyển được thành lập ở Thanh Khê, với danh nghĩa ''Tập đoàn đánh cá''. Ngay sau khi thành lập Tiểu đoàn 601 đã tổ chức những đợt vận tải bằng thuyền buồm chở vũ khí vào cho Bộ Tư lệnh Hải quân Liên khu V ở Hải Vân. Ngoài vận tải biển của bộ đội chủ lực, các địa phương ở Quảng Bình cũng đã tổ chức nhiều đơn vị vận tải biển của dân quân, vận tải khối lượng hàng hóa không nhỏ vào chiến trường, bằng nhiều chiến dịch vận tải biển, trong đó đặc biệt đáng nhớ là chiến dịch Hòn La (VT5).
Các tuyến đường sông, đường không, đường ống xăng dầu, tuyến đường thông tin, tuyến giao liên cũng góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ chiến lược của tuyến Đường Hồ Chí Minh. Báo Le monde của Pháp ngày 31 tháng 3 năm 1971 đã viết: ''Chỉ khoảng đường chim bay trên 100 km giữa đèo Mụ Giạ đến vĩ tuyến 17, tổng số các con đường đã lên tới năm ngàn cây số... Kể từ đèo Mụ Giạ là đầu tuyến đường quan trọng của hệ thống giao thông xe cộ''.
Quảng Bình là một nút chiến lược về giao thông vận tải, chi viện cho mặt trận suốt cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Quảng Bình còn trung tâm của Sở Chỉ huy của đoàn 559 trong nhiều thời kỳ, trung tâm hậu cần dự trữ vật tư chiến lược cho các chiến trường, trung tâm sửa chữa kỹ thuật, trung tâm an dưỡng điều trị thương bệnh binh, trung tâm hợp đồng chiến đấu quân dân, trung tâm hợp đồng sử dụng các quân binh chủng hợp thành vì sự sống còn đường quyết thắng giặc Mỹ xâm lược; là trung tâm xuất phát và hậu cứ của nhiều binh đoàn, sư đoàn chi viện cho chiến trường.
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh 559, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng đánh giá: "Đường Hồ Chí Minh ở Quảng Bình là trung tâm của trung tâm đầu mối xuất phát của Đường Hồ Chí Minh Quốc gia''; nơi biểu hiện tập trung chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí " Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'' và tinh thần ''Quyết tâm đánh giặc Mỹ xâm lược''.
Khu di tích Xuân Sơn - Phong Nha được hình thành trong bối cảnh sự kiện lịch sử quan trọng của sự hình thành và phát triển tuyến đường chiến lược quốc gia Hồ Chí Minh nói trên. Phong Nha - Kẻ Bàng đã và đang chứa trong lòng mình một phần máu thịt của con đường huyết mạch đầy huyền thoại đó.
Quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công của Trung ương Đảng, sau Hội nghị Trung ương lần thứ XI, XII (năm 1965) và hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch ngày 20 tháng 7 năm 1965, Trung ương Đảng Quốc hội và lính phủ xem mặt trận giao thông vận tải trong thời gian này là nhiệm vụ trung tâm, đột xuất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Yêu cầu nhiệm vụ chi viện chiến trường càng lớn, càng khẩn trương, đòi hỏi hệ thống đường vận chuyển bằng cơ giới phải cần phát triển mạnh. Nếu chỉ có một cửa khẩu Đường 12 qua bao trọng điểm như Khe Ve, Cổng Trời, Mụ Giạ bị địch thường xuyên đánh phá ác liệt luôn bị tắc đường, nhất là vào thời tiết mưa lũ, đường sình lầy không đảm bảo chi viện cho chiến trường đáp ứng thời cơ.
Từ tình hình nói trên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định cho mở thêm tuyến Đường 20 Quyết Thắng để phá thế độc tuyến đường vượt khẩu 12A và rút ngắn độ vận chuyển từ phía Bắc xuống Đường 9.
Đường 20 xuất phát từ cửa rừng Phong Nha lên Cà Roòng, chọc thủng núi đá vôi của Trường Sơn nối liền với Đường 128B ở ngã ba Lùm Phùm (Lào) có chiều dài 123km. Đây là tuyến đường được khảo sát và thi công trong thời điểm chiến tranh ác liệt, có thể nói mặt đường trộn lẫn máu và mồ hôi của các chiến sĩ Trường Sơn.
Hai trung đoàn công binh số 41, số 10 và tổng đội thanh niên xung phong số 25 gồm hàng vạn gái trai của các tỉnh Quảng Bình; Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nam Ninh và các đơn vị cơ giới dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh 559 và Bộ Giao thông Vận tải đảm nhận nhiệm vụ lịch sử này.
Ngày 20 tháng 12 năm 1965 được đánh dấu là ngày bổ nhát cuốc đầu tiên cho việc hình thành con Đường 20 thể hiện ý chí quyết tâm ''phá thế độc quyền'' quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi quyết định trên mặt trận giao thông vận tải ở mảnh đất tuyến lửa chật hẹp này.
Đội thanh niên xung phong N25 được vinh dự nổ phát mìn đầu tiên mở đầu chiến dịch mở đường. Trong những ngày tháng cực kỳ gian khổ sau đó, hàng vạn chiến sĩ công binh, chiến sĩ thanh niên xung phong đã lao động suất cả ngày đêm với một khẩu hiệu rất thiết thực nhưng rất đỗi lãng mạn ''bám mặt trời không rời mặt trăng''. Một tiểu đội nữ thanh niên xung phong Quảng Bình đạt năng suất 8m3/ngày. Một cô gái ở Hà Tĩnh tên là Nguyễn Thị Nguyệt trong suốt cả 30 ngày liền, cứ mỗi ngày một gánh gạo 50kg, cô đã đi 20 km đường rừng cả đi và về để tiếp tế cho công trường làm đường. Cộng lại, trong một tháng, cô đi 600 km với nửa tạ gạo đặt trên vai. Công trường này có nhiều chiến sĩ công binh đạt kỷ lục đào đất cao nhất chưa từng có: 14m3/ngày. Điểm thử thách cuối cùng là cây số 18 có một dãy núi chắn ngang, bên kia núi là vực thẳm. Trung đoàn 10 công binh đã san bằng ngọn núi này và được tặng danh hiệu ''Đơn vị chọc thủng Trường Sơn''. Ngày 05 tháng 5 năm 1966, sau bốn tháng thi công, con ĐƯỜNG 20 đã được hoàn thành với chiều dài 123km, xuyên qua Trường Sơn, nối liền Phong Nha (Quảng Bình) với Lùm Phùn thuộc huyện Bu-La-Pha, tỉnh Khăm Muộn (Lào).
Với tổng số 519.287 ngày công và 915.913m3 đất đá được đào đắp chỉ trong vòng 127 ngày, đêm (từ ngày 20 tháng 12 năm 1965 đến ngày 05 tháng 5 năm 1966) Đường 20 đã hoàn thành chọc thủng Trường Sơn, thông tuyến.
Do lực lượng thi công con đường đều ở lứa tuổi 20 nên Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tư lệnh 559 đã đặt tên con đường là "Đường 20''. Con đường đã thể hiện ý chí quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, quyết tâm phá thế độc tuyến và giành thắng lợi trên mặt trận giao thông vận tải, vì thế con đường được gán thêm hai chữ "Quyết Thắng'' và được gọi đầy đủ ý là ''Đường 20 Quyết Thắng''.
Đế quốc Mỹ nhận thấy rõ vai trò, vị trí và cả đặc điểm địa thế của con đường này, nên chúng ngày đêm liên tục tập trung đánh phá cực kỳ khốc liệt.
Suốt cả thời gian làm nhiệm vụ mở đường cho đến suốt thời gian làm nhiệm vụ bảo vệ đường, bảo vệ các đoàn quân và xe ra tiền tuyến, nhiều đơn vị bộ đội thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu, chịu đựng gian khổ hy sinh quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó.
Trên 123 km tuyến Đường 20 có nhiều ''Tọa độ lửa'', trong đó ác liệt nhất là tập đoàn trọng điểm ''A.T.P'' (Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu-La-Nhích). Trọng điểm Trà Ang, trọng điểm km16, km14, phà Xuân Sơn (bao gồm phà B và phà Nguyễn Văn Trỗi).
Sự nghiệp cứu nước của dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi và đi vào lịch sử như một bản hùng ca bất tử. Tuyến Đường Hồ Chí Minh đã hình thành một hệ thống di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt quan trọng, khởi phát và xuyên qua trong lòng khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.
Các trọng điểm trên Đường 20 Quyết Thắng, bến phà Xuân Sơn, hang Phong Nha trở thành địa danh lịch sử văn hóa lưu niệm, khắc sâu bao sự kiện, bao chiến công hiển hách của bộ đội Trường Sơn, của thanh niên xung phong, của quân và dân Quảng Bình. Do là những di tích lịch sử tiêu biểu trong hệ thống quần thể di tích lịch sử Quốc gia Đường Hồ Chí Minh được Nhà nước công nhận theo Quyết định số 236 ngày 12 tháng 12 năm 1986.
Nguồn: Tư liệu tổng quan Phong Nha - Kẻ Bàng